Tản mạn về tất/ vớ

Nguồn gốc của từ Sock (bít tất/tất/vớ): Từ Sock tiếng Anh hiện đại có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ Socc, có nghĩa là “dép nhẹ”. Từ Sock còn xuất phát từ một thuật ngữ tiếng Latin miêu tả một loại giày “nhẹ, thấp gót” do các diễn viên hài La Mã cổ xưa sử dụng, và bắt nguồn từ từ Hy Lạp cổ đại Sykchos.

Tất/vớ được phát triển từ xa xưa qua nhiều thế kỷ, ban đầu được làm từ da động vật săn bắt được và được buộc quanh mắt cá chân. Theo nhà thơ Hy Lạp Hesiod, vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đã sử dụng tất “piloi”, được làm từ lông động vật. Người La Mã cũng quấn chân bằng da hoặc vải dệt thoi. Khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, người La Mã bắt đầu may các loại vải cùng nhau làm tất/vớ được gọi là “udones”. Đến thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, tất cả những người đàn ông mộ đạo ở Châu Âu đều mặc những chiếc vớ mang tên “puttees” để tượng trưng cho sự thuần khiết.


Trong thời Trung Cổ, quần dài đã được sử dụng nhiều và tất/vớ trở thành một loại vải nhẹ, bó chặt che phần dưới của chân. Vì trước đây chưa có sợi đàn hồi nên phần nịt được buộc trên đầu tất/vớ để khỏi bị tuột xuống. Khi quần ống túm trở nên ngắn hơn, tất/vớ có xu hướng dài hơn (và đắt hơn). Vào năm 1000 sau Công nguyên, tất/vớ đã trở thành một biểu tượng của sự giàu có trong tầng lớp quý tộc. Từ thế kỷ 16 trở đi, hoa văn trang trí trên mắt cá chân hoặc bên của tất/vớ được gọi là đường viền.

Việc phát minh ra máy dệt kim vào năm 1589 cho phép đan tất/vớ nhanh hơn đan bằng tay gấp sáu lần. Tuy nhiên, việc đan tay và đan máy cùng diễn ra cho đến tận năm 1800.

Cuộc cách mạng tiếp theo trong việc sản xuất tất/vớ là sự ra đời của nylon vào năm 1938. Trước đó thì tất/vớ thường được làm bằng từ tơ tằm, sợi bông và len. Từ khi có sợi Nylon người ta bắt đầu pha trộn hai hoặc nhiều loại sợi để sản xuất tất/vớ cho đến ngày nay.

(ST)